Tin Tức

Huyết áp là gì? Thế nào là huyết áp tối đa, huyết áp tối ưu?

(01-08-2022)

Tham vấn y khoa: Thạc sĩ - Dược sĩ - Giảng viên Lê Thị Mai

Huyết áp là một chỉ số quan trọng của cơ thể cần được quan tâm và theo dõi thường xuyên. Vì những sự thay đổi bất thường của chỉ số huyết áp đều đem đến một số hậu quả khó lường. Vậy huyết áp là gì? Có chức năng gì trong cơ thể? Để tìm hiểu tường tận về vấn đề này, mời bạn tham khảo bài viết dưới đây.

I. Huyết áp là gì?

huyết áp là gì

Huyết áp là áp lực máu cần thiết tác động lên thành động mạch nhằm đưa máu đến nuôi dưỡng các mô trong cơ thể. Huyết áp được tạo ra do lực co bóp của tim và sức cản của động mạch.

1. Thế nào là huyết áp tối đa, huyết áp tối thiểu?

Huyết áp được đo lường dựa trên 2 trị số đó là huyết áp tối đa (hay còn gọi là huyết áp tâm thu) và huyết áp tối thiểu (hay còn gọi là huyết áp tâm trương).

  • Huyết áp tối đa: là mức huyết áp cao nhất của bạn trong mạch máu khi tim đập, đo lường áp lực mạch máu lên động mạch khi tim ở trạng thái co bóp đẩy máu từ tim đến hệ thống tuần hoàn.
  • Huyết áp tối thiểu: là mức huyết áp thấp nhất trong lòng mạch của bạn đạt đến, đo lường áp lực trong lòng động mạch, khi tim nghỉ giữa các lần tim co bóp, cơ tim được thả lỏng.

2. Đơn vị đo huyết áp

Huyết áp thường được đo lường bằng đơn vị mi-li-met thủy ngân (mmHg), được xác định bằng tỷ số giữa huyết áp tối đa và huyết áp tối thiểu. Chẳng hạn huyết áp tối đa là 120, huyết áp tối thiểu là 80 thì ghi là 120/80 mmHg, đọc là “120 trên 80”.

3. Huyết áp bao nhiêu là bình thường, chỉ số huyết áp tối ưu là bao nhiêu?

Chỉ số huyết áp tối ưu là chỉ số thể hiện cơ thể khỏe mạnh, tại mức này bạn có khả năng bị bệnh tim mạch và đột quỵ thấp. Chỉ số huyết áp tối ưu thường nằm trong khoảng 90/60 mmHg đến 120/80 mmHg.

Chỉ số huyết áp bình thường là huyết áp tâm thu nhỏ hơn 130 mmHg, huyết áp tâm trương nhỏ hơn 85 mmHg.

II. Huyết áp cao và huyết áp thấp có nguy hiểm không?

1. Huyết áp cao

huyết áp là gì

Huyết áp thay đổi thường xuyên trong ngày dựa trên các hoạt động của cơ thể. Nhưng nếu bạn có tình trạng chỉ số huyết áp luôn cao hơn huyết áp bình thường, đó là dấu hiệu bị huyết áp cao.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) người có bệnh huyết áp cao thường có chỉ số huyết áp trung bình qua hai lần đo cao hơn 140/90 mmHg. Trong đó, nếu một người có chỉ số huyết áp tối đa (huyết áp tâm thu) từ 120 – 139 mmHg và/hoặc huyết áp tối thiểu (huyết áp tâm trương) từ 85 – 89 mmHg thì được gọi là tiền cao huyết áp.

Huyết áp cao hay còn gọi là tăng huyết áp là một chứng bệnh thường gặp hơn ở người già, khi các động mạch trở nên xơ cứng khiến áp lực máu tăng lên. Đối với người trẻ, huyết áp cao thường là tăng huyết áp thứ phát, xuất hiện do một số nguyên nhân như hẹp động mạch thận, u tuyến thượng thận, stress, chế độ sinh hoạt ăn uống không lành mạnh.

Đôi khi, huyết áp cao được ví như “kẻ giết người thầm lặng” vì chúng không có các dấu hiệu để phát hiện bệnh nhưng khi không được kiểm soát dễ dẫn đến một số căn bệnh nguy hiểm cho một số cơ quan nội tạng quan trọng như: suy tim, đột quỵ, sa sút trí tuệ, bệnh về mắt, thận…

2. Huyết áp thấp

Huyết áp thấp (hạ huyết áp) là tình trạng cơ thể có huyết áp thấp hơn bình thường, xuống thấp hơn 90/60 mmHg gây nên các triệu chứng như chóng mặt, buồn nôn, mất sức đột ngột, mờ mắt, ngất xỉu… Nhìn chung, huyết áp thấp không gây nhiều ảnh hưởng đến cuộc sống, nhưng đôi khi gây nên một số tình trạng nguy hiểm cho tim, một số chứng bệnh liên quan đến hệ thần kinh, hệ nội tiết.

III. Các yếu tố ảnh hưởng đến huyết áp

huyết áp là gì

Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sự thay đổi của huyết áp, trong đó có một số yếu tố được cho là có ảnh hưởng lớn để chỉ số huyết áp đó là:

1. Yếu tố bên trong

  • Cung lượng tim (Cardiac output)là thể tích máu được tim bơm vào động mạch trong vòng 1 phút (lít/phút). Lượng máu do tim bơm ra càng nhiều thì huyết áp càng tăng và ngược lại.
  • Sức cản của mạch máu ngoại vi.
  • Lưu lượng máu lưu thông trong cơ thể.
  • Độ đàn hồi của thành mạch.
  • Độ nhớt của máu.

2. Yếu tố bên ngoài

  • Thuốc lá, rượu bia và các chất kích thích
  • Đồ ăn chứa nhiều chất béo dẫn đến nguy cơ xơ vữa động mạch làm tăng sức cản ngoại vi.
  • Ăn thức ăn chứa nhiều muối.
  • Trạng thái căng thẳng kéo dài.
  • Chế độ ăn uống không đủ chất dinh dưỡng.
  • Tình trạng thiếu nước.
  • Sử dụng một số loại thuốc uống ảnh hưởng đến huyết áp như thuốc co mạch, thuốc dãn mạch…

IV. Một số lưu ý phòng ngừa và kiểm soát huyết áp

Ngoài việc kiểm soát huyết áp bằng thuốc, để giữ tình trạng huyết áp luôn ở mức tối ưu bạn cần thực hiện một số lưu ý lối sống dưới đây:

  • Giữ mức cân nặng vừa phải, giữ mức cân nặng theo tiêu chuẩn của chỉ số BMI.
  • Tập thể dục: tập thể dục vừa phải, chẳng hạn như bơi lội có thể giúp làm giảm áp lực máu. Đặt một mục tiêu tập thể dục mỗi tuần ít nhất 150 phút (tương đương khoảng 20 – 30 phút mỗi ngày).
  • Giảm tiêu thụ muối: hạn chế trong khoảng từ 5 – 6 gram, tương đương 1 muỗng cà phê. Chế độ ăn tăng cường rau củ, trái cây, ít chất béo
  • Không hút thuốc lá. Huyết áp sẽ tăng sau vài phút hút thuốc lá. Không hút thuốc lá giúp bạn giảm chứng ngưng thở khi ngủ, giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, cải thiện sức khỏe.

Nhìn chung, sự thay đổi của huyết áp dù cao hay thấp phần nhiều sẽ gây nên những mối nguy hại đối với sức khỏe. Vậy nên, bảo vệ bản thân và gia đình bằng cách theo dõi huyết áp, điều trị kịp thời nếu có phát hiện bệnh huyết áp cao hoặc huyết áp thấp là điều cần thiết.


Nguồn tham khảo

  • Huyết áp bao nhiêu là bình thường?

http://cdc.hatinh.gov.vn/vi/huyet-ap-bao-nhieu-la-binh-thuong

  • Blood pressure test

https://www.nhs.uk/conditions/blood-pressure-test/

  • High Blood Pressure Symptoms and Causes

https://www.cdc.gov/bloodpressure/about.htm

  • High blood pressure (hypertension)

https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/high-blood-pressure/symptomscauses/syc-20373410

  • High Blood Pressure and Older Adults

https://www.nia.nih.gov/health/high-blood-pressure-and-older-adults

  • What do the numbers mean?

https://www.bloodpressureuk.org/your-blood-pressure/understanding-your-bloodpressure/what-do-the-numbers-mean/

  • Low blood pressure (hypotension)

https://www.nhs.uk/conditions/low-blood-pressure-hypotension/

  • Factors That Influence Blood Pressure

https://pressbooks.library.ryerson.ca/vitalsign/chapter/factors-that-influence-bloodpressure/

  • 12 Benefits of Ginkgo Biloba (Plus Side Effects & Dosage)

https://www.healthline.com/nutrition/ginkgo-biloba-benefits#TOC_TITLE_HDR_4

  • Effect of ginkgo biloba on blood pressure and incidence of hypertension in elderly men and women

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2989407/

Chia sẻ bài viết ...
Lê Thị Mai

Thạc sĩ – Dược sĩ – Giảng viên Lê Thị Mai có 9 năm kinh nghiệm trong dược lâm sàng cũng như lĩnh vực nhiều lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, trong đó chuyên sâu nhất về thuốc kháng sinh, bệnh học tổng quan, đái tháo đường và ung thư ung bướu.


Thẻ của bài viết: , , , ,

có thể bạn quan tâm

Loading...
842838123166