Chụp CT đầu là một thủ thuật hữu ích giúp các bác sĩ tìm kiếm các bất thường của não như khối u, dị tật hộp sọ hay đánh giá tổn thương sau tai nạn hoặc chấn thương đầu. Chụp CT não được xem là một bước phát triển của khoa học, giúp các bác sĩ kiểm tra rõ hơn các mạch máu và mô mềm trong đầu, từ đó có thể chẩn đoán được tình trạng bệnh lý.
Hãy cùng theo dõi bài viết để biết thêm các thông tin về chụp CT não như chụp CT não có tác dụng gì, khi nào nên chụp CT não, chụp CT não có hại không…
1. Chụp CT não là gì?
Chụp CT não là một kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh không xâm lấn sử dụng các phép đo tia X để tạo ra hình ảnh ngang hoặc dọc (hay còn gọi là các lát cắt) của não. Thông tin tia X sẽ được gửi đến máy tính để diễn giải dữ liệu tia X và hiển thị nó ở dạng hai chiều (2D) trên màn hình.
Trong quá trình chụp CT não, chùm tia X di chuyển theo nhiều lát cắt của hộp sọ, từ đó, hình ảnh xuất ra có thể có nhiều góc nhìn khác nhau về não. Những lát cắt não cho phép bác sĩ nhìn thấy hộp sọ, não, xoang, hốc mắt và chẩn đoán được một loạt các bệnh trạng.
2. Chụp CT não có tác dụng gì?
Các kết quả CT não có thể giúp bác sĩ xác định hoặc loại trừ các vấn đề sức khỏe. Vậy nên, trong các trường hợp khẩn cấp, cần chẩn đoán hình ảnh hoặc đánh giá hiệu quả của phương pháp điều trị đang sử dụng, các bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân chụp CT não. Sau đây là một số lý do tại sao bác sĩ có thể yêu cầu chụp CT đầu bao gồm:
- Tìm kiếm những tổn thương có thể xảy ra sau chấn thương ở đầu như chấn thương mô mềm, chảy máu não và chấn thương xương
- Đánh giá một người có các triệu chứng giống như đột quỵ để xem liệu có dấu hiệu của cục máu đông hoặc chảy máu não hay không
- Tìm kiếm u não có thể có hoặc bất thường khác của não
- Kiểm tra hiệu quả của các phương pháp điều trị y tế trong việc thu nhỏ khối u não
- Đánh giá các điều kiện bẩm sinh khiến hộp sọ hình thành bất thường
- Đánh giá một người có tiền sử não úng thủy, một tình trạng tích tụ dịch não tủy gây ra sự mở rộng não thất
- Chẩn đoán hình ảnh nếu như có biểu hiện của các bệnh lý như bệnh Alzheimer, chứng phình động mạch, nhiễm trùng não, chảy máu.
3. Quy trình chụp CT não như thế nào?
Chuẩn bị trước khi chụp
- Bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân không ăn uống trong một khoảng thời gian nhất định.
- Bệnh nhân có thể được yêu cầu tháo tất cả đồ trang sức, dụng cụ nha khoa có thể tháo rời hoặc kẹp tóc vì những thứ này có thể ảnh hưởng đến hình ảnh quét.
- Tiêm thuốc cản quang, một chất làm cho một số vùng nhất định của não hiển thị dễ dàng hơn khi quét. Tuy nhiên, không phải lần chụp CT nào đều cần thuốc cản quang.
- Bệnh nhân có thể được yêu cầu thay đồ dùng trong phòng chụp CT trước khi vào máy quét.
Quá trình chụp CT đầu
Thời gian chụp CT đầu trung bình không quá 10 phút. Máy quét giống như một chiếc máy hình tròn có một lỗ ở tâm. Ở trung tâm, có một chiếc giường đủ một người nằm trong quá trình làm thủ thuật.
Khi máy quét bắt đầu quay xung quanh, tia X sẽ đi qua hộp sọ trong một khoảng thời gian ngắn. Các tia X được hấp thụ bởi các mô của cơ thể sẽ được máy quét phát hiện và truyền đến máy tính. Máy tính sẽ chuyển thông tin thành hình ảnh để bác sĩ xem và giải thích.
Trong quá trình quét, kỹ thuật viên sẽ nói chuyện với người đó qua loa để cho họ biết khi quá trình quét bắt đầu và yêu cầu bệnh nhân tuân thủ những hướng dẫn của mình. Điều này giúp đảm bảo rằng hình ảnh có chất lượng cao và không bị mờ ở bất kỳ khu vực chính nào.
Sau khi chụp CT đầu
Nếu như có tiêm cản quang, bệnh nhân có thể được yêu cầu ở lại để theo dõi một vài tác dụng phụ của thuốc như buồn nôn, ngứa, sưng tấy, phát ban hoặc khó thở. Còn nếu không, bệnh nhân có thể tiếp tục sinh hoạt và hoạt động như bình thường.
4. Chụp CT đầu có ảnh hưởng gì không?
Chụp CT đầu là một thủ thuật không đau, không xâm lấn và được xem là an toàn. Tuy nhiên, một số rủi ro vẫn có thể xảy ra, như sau:
- Khi chụp CT, một người tiếp xúc với bức xạ sẽ có nguy cơ người phát triển ung thư do liều bức xạ quá mức. Tuy nhiên, rủi ro cho điều này sau một lần chụp CT đầu là rất ít.
- Chụp CT có thể gây ồn ào hoặc cảm giác sợ hãi khi ở trong một không gian kín có thể gây lo lắng cho người bệnh. Vì vậy, các bác sĩ đôi khi có thể chỉ định dùng thuốc an thần trước khi họ vào máy chụp CT.
- Nếu như mang thai hoặc nghi ngờ mang thai, bệnh nhân sẽ không được chụp CT do tiếp xúc với bức xạ trong thai kỳ có thể dẫn đến dị tật bẩm sinh.
- Bệnh nhân đang dùng thuốc tiểu đường metformin (Glucophage) sẽ không được chỉ định chụp CT có tiêm cản quang vì có thể gây ra một tình trạng hiếm gặp gọi là nhiễm toan chuyển hóa.
5. Có thể chụp CT não ở đâu?
Tại Việt Nam, chụp CT não là một thủ thuật phổ biến, bệnh nhân có thể chụp CT não tại khoa chẩn đoán hình ảnh của các bệnh viện. Sau đây là danh sách một số bệnh viện chụp CT não có thể tham khảo như:
Tại TP Hồ Chí Minh
- Bệnh viện Đại học Y dược
- Bệnh viện Chợ Rẫy
- Bệnh Viện Phạm Ngọc Thạch
Tại Hà Nội
- Bệnh viện Bạch Mai
- Bệnh viện Việt Đức
- Bệnh viện Xanh Pôn
Miền Trung
- Bệnh viện Trung ương Huế
- Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng
Chụp CT não là một thủ thuật tương đối an toàn và không xâm lấn, mặc dù chúng liên quan đến việc tiếp xúc với bức xạ. Hy vọng thông qua bài viết, bạn đã có cái nhìn tổng quan hơn về thủ thuật chụp CT đầu.
Nguồn tham khảo:
Computed Tomography (CT or CAT) Scan of the Brain
What a CT Scan Shows of the Head and Brain
https://americanhealthimaging.com/blog/what-happens-head-ct-scan/
What to know about CT head scans